Thượng đế phát hoảng với phí dịch vụ chung cư

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Thượng đế phát hoảng với phí dịch vụ chung cư

  • 13/11/2020
  • 116

'Choáng' vì hàng trăm loại phí

Anh Quốc Chiến - một người dân sống tại căn hộ cao cấp phường Minh Khai (Hà Nội), kể: “Chi phí dịch trong tòa chung cư này rất cao, 13.200 đồng/m2/tháng. Mỗi tháng còn mất thêm 1.250.000 đồng phí gửi ô tô, nếu có khách đến nhà chơi mà ngủ lại qua đêm còn bị 'chém' phí gửi ô tô lên tới 500.000 đồng/đêm. Nhà tôi có 2 chiếc xe ôtô, cộng thêm các loại phí có tên khá 'kêu' khác như là: Phí thu nhặt rác thải và bảo tồn cảnh quan; Phí dịch vụ cho dụng cụ đo đếm chỉ số tiêu thụ điện - nước; Phí sinh hoạt khác đối với tài sản chung và tiện ích công cộng chung...Chưa kể việc kiểm tra sổ sách cũng bị đưa vào thành một loại phí. Thêm vào đó là tiền điện, nước, cab, internet… Như vậy, mỗi tháng chúng tôi phải chi tầm 6 - 7 triệu đồng cho tất cả các loại phí”.

Phải chăng cứ đã là chung cư cao cấp thì phải 'cõng' thêm nhiều loại phí thì mới xứng tầm 'đẳng cấp'? Nhưng thực tế là ngay cả các chung cư bình dân người mua cũng phải oằn mình ra trả hàng loạt loại phí 'cao cấp'. Điều này khiến nhiều hộ gia đình ở được vài năm nhưng đành ngậm ngùi chuyển ra ở trọ vì chi phí đi thuê nhà bên ngoài còn rẻ hơn ở nhà chính chủ.

Nhiều tòa chung cư bình dân cũng 'hét' giá dịch vụ cao ngất ngưởng
Nhiều tòa chung cư bình dân cũng 'hét' giá dịch vụ cao ngất ngưởng. Ảnh minh họa: Thoibaokinhdoanh

Đơn cử là trường hợp của chị Lan Anh - người có một căn hộ bình dân rộng 90m2 ở chung cư Meco Complex (Trường Chinh, Hà Nội). Chị Lan Anh cho biết, giá dịch vụ tính trên mỗi mét vuông tại đây không đắt, nhưng chủ chủ đầu tư lại chơi bài hạ cái này tăng cái kia. Chẳng hạn, phí gửi xe ôtô hàng tháng cũng ngót nghét 1,2 triệu đồng/xe; còn xe máy là 100.000 đồng/xe. Không những thế, chủ đầu tư tòa nhà còn tự ý tăng tiền điện, tiền nước - tức làm trái với cam kết từ ban đầu là điện, nước tính theo bảng giá chung của ngành điện, ngành nước. Như vậy, nếu cộng dồn các khoản phí lại có khi còn cao hơn cả thuê nhà bên ngoài, nên để tiết kiệm, chị Lan Anh cùng gia đình chấp nhận chuyển ra ngoài sống, còn căn hộ đang ở thì thuê lại.

'Chất' một nơi 'lượng' một nẻo

Sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho các khoản phí dịch vụ chung cư giá 'trên trời', nhiều khác hàng như chị Hương - chủ của một căn hộ hạng sang tại tòa Mulberry Lane (Hà Đông) chỉ mong muốn chất lượng công trình phải tương xứng. Nhưng theo chị Hương kể, 'chất lượng thang máy ở tòa nhà này rất tệ, thường bị kẹt và mất điện thường xuyên. Có lần khách đến nhà tôi chơi, bị kẹt lại trong thang máy gần nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi phải chạy ngược xuôi mãi mới có người của Ban quản lý tòa nhà đến sửa chữa, khắc phục sự cố rất chậm chạp. Chưa kể thiết kế hệ thống điều hòa thang máy kém - thang thiếu không khí, từng có trường hợp ngất xỉu trong thang máy'.

'Khi vào mùa mưa, hệ thống thoát nước ở Hà Nội kém là một phần, nhưng hệ thống của khu chung cư Mỹ Đình 1 lại còn 'kinh hoàng' hơn. Nước trong hầm đục ngầu ngập đến quá nửa lốp xe cùng với vô số rác thải nổi lềnh bềnh khiến mọi người từ trẻ con đến người lớn phải lội bì bõm mới dắt nổi xe ra ngoài, có nhiều xe còn bị chết máy do ngâm nước quá lâu khiến người dân ai cũng bức xúc” - một cư dân than thở.

Ngoài ra, phí trông giữ xe hàng tháng tại các chung cư cũng là vấn đề khiến cư dân khó chịu. Chị Lan Anh cho biết, tại chung cư Meco Complex phí trông xe máy là 100.000 đồng, ngang ngửa với các chung cư cao cấp trên cùng địa bàn, trong khi hầm gửi xe thì rất bí và mất vệ sinh, hệ thống thu phí bằng thẻ từ để đảm bảo an ninh cũng chưa có...

Thực tế cho thấy, không ít chủ đầu tư các công trình chung cư tại Hà Nội đang cố ý phớt lờ Quyết định số 60/2013-QĐ-UBND: 'Các nhà chung cư, trung tâm thương mại phải được đầu tư tầng trông giữ xe hiện đại, trang bị hệ thống giám sát bao gồm: Camera theo dõi, ra vào quẹt thẻ theo dõi giờ vào, giờ ra, tính tiền, in hóa đơn tự động…”.

Cũng do chưa được trang bị hệ thống an toàn đầy đủ mà thời gian qua tại Hà Nội, nhiều vụ việc như hỏa hoạn cháy nổ đã xảy ra tại các chung cư như Xala (Hà Đông), chung cư Linh Đàm (Hoàng Mai), hay vụ rơi thang máy khiến một người chết tại tòa CT3, Yên Hòa (Cầu Giấy)...làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về mức độ an toàn tại các tòa nhà chung cư hiện nay.

Mặc dù những cuộc tranh chấp nảy lửa vẫn thường xuyên diễn ra giữa cư dân chung cư với chủ đầu tư nhưng xem ra phần thua thiệt vẫn là các cư dân tòa nhà vì chủ đầu tư bao giờ cũng 'nắm đằng chuôi'. Nếu người dân không chấp hành theo quy định tự tạo của chủ đầu tư thì ngay lập tức họ bị cắt điện, cắt nước, thậm chí không cho mang xe vào gửi trong chung cư… Đây cũng là lý do khiến các luật sư ra khuyến cáo với những người dân đang có ý định mua nhà chung cư là cần phải xem xét kỹ lưỡng căn hộ định mua cũng như thống nhất các điều khoản trong hợp đồng một cách rõ ràng trước khi đặt bút ký vào hợp đồng sống trong các tòa nhà cao tầng.

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo