Lãng phí trong đầu tư nhà ở sinh viên: Nên đổi mục đích sử dụng

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Lãng phí trong đầu tư nhà ở sinh viên: Nên đổi mục đích sử dụng

  • 10/11/2020
  • 116

Đã đến lúc các địa phương cần xem xét phương án chuyển đổi mục đích sử dụng của các tòa nhà cho sinh viên bị bỏ hoang cho phù hợp với nhu cầu nhà ở của người dân. 

Dự báo sai nhu cầu về nhà ở cho sinh viên

Từ nhiều năm qua, việc dự báo nhu cầu nhà ở cho sinh viên và lựa chọn địa điểm xây dựng các dự án nhà ở này được chính quyền TP. Hà Nội xác định là nhiệm vụ chính trị cần phải thực hiện. Từ đó, Hà Nội đã đưa ra rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển nhà ở cho sinh viên. Tuy nhiên, những bất cập trong quá trình triển khai xây dựng đã khiến cho các dự án nhà ở sinh viên không thể phát huy hiệu quả. Hơn nữa, việc phát triển nhà ở cho sinh viên vẫn chưa được đặt trong một chiến lược chung, dài hạn. Đây cũng là tình hình chung của nhiều địa phương khác trong việc quy hoạch phát triển nhà ở cho các đối tượng được hỗ trợ về nhà ở, trong đó có sinh viên. Bởi thực tế, mỗi sinh viên chỉ học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp từ 2 - 5 năm, sau đó họ ra trường và có rất nhiều người sẽ trở thành công nhân, kỹ sư, sinh sống và làm việc tại các đô thị. Do vậy, nếu đặt trong tương quan phát triển, cơ cấu dân số, số lượng sinh viên trong 15 - 20 năm tới sẽ giảm dần khi Việt Nam qua thời kỳ dân số vàng. Như vậy, chỉ có nhu cầu về nhà ở của công nhân, người thu nhập thấp ở đô thị là sẽ tăng lên trong thời gian tới, vì vậy việc phát triển nhà ở của đối tượng này sẽ lớn hơn.

Cùng với đó, các trường đại học, cao đẳng hiện nay thường có khu ký túc xá cho sinh viên ở. Chính điều này đã tạo ra sức hút lớn cho các khu ký túc xá cũ trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay. Thực tế phát triển nhà ở cho sinh viên cho thấy, những khu  ký túc được cải tạo, xây dựng mới ngay trong khuôn viên các trường, hoặc xây dựng tại những khu trung tâm gần trường đại học, cao đẳng, hay trung cấp luôn thu hút được rất đông sinh viên đến ở. Ví dụ như các dự án xây mới ký túc xá của Đại học Thủy lợi, Đại học Nông Nghiệp và Đại học Việt - Hung tại Hà Nội, đã thu hút đượng lượng lớn sinh viên đăng ký đến ở.

Để đánh giá đúng nhu cầu nhà ở cho sinh viên, các dự án nhà ở, ký túc xá cho sinh viên cần được giao cho một cơ quan quản lý về giáo dục, bởi đây là cơ quan có khả năng đánh giá đúng nhất nhu cầu nhà ở thực của sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp hiện nay. Ví dụ, tại Lâm Đồng, khi phát triển dự án khu ký túc xá tập trung, tỉnh dự báo lượng sinh viên cần đến chỗ ở vào năm 2015 là 20.000 sinh viên và 80% số đó sẽ vào ở ký túc. Nhưng khi xây dựng xong, nhiều trường định đầu tư mở rộng cơ sở đào tại tại TP. Đà Lạt như Đại học Kiến trúc Tp.HCM, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Bách Khoa Tp.HCM lại rút lui không đầu tư. Điều này đã làm giảm đáng kể nhu cầu nhà ở của sinh viên.

nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội
Hà Nội sẽ chuyển một số dự án nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội


Những động thái bước đầu

TP. Hà Nội đặt mục tiêu phát triển nhà ở cho sinh viên đến năm 2020 đạt 1.340.000m2 sàn, và đến nay đã xây dựng được 363.000m2 sàn nhà ở. Nhưng trước những lo ngại về bố trí vốn cho dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị lên UBND TP cho phép chuyển đổi tòa nhà A3 từ nhà ở sinh viên sang loại hình nhà ở xã hội để bán cho những người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn. Nếu áp dụng phương án này sẽ thu hồi được khoảng 110 tỷ đồng để thanh toán cho đơn vị thi công và đầu tư cho những hạng mục còn lại. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, khi chuyển đổi hạng mục nhà A3 từ nhà ở sinh viên sang căn hộ để bán sẽ phải điều chỉnh công năng công trình cho phù hợp mục đích sử dụng.

Đại diện Trung tâm Phát triển Quỹ nhà và đất tỉnh Bạc Liêu, đơn vị trực tiếp quản lý khu nhà ở sinh viên tỉnh Bạc Liêu cho biết, việc thu hút sinh viên vào ở đang nằm ngoài khả năng của đơn vị. Bởi trước đó các đơn vị liên quan đã tích cực vận động sinh viên đến ở với chính sách giảm, miễn giá thuê nhà, nhưng vẫn chưa thu hút được sinh viên vào ở. Việc khảo sát, lập dự án và tiến tới xây dựng khu nhà ở sinh viên Bạc Liêu vẫn nhiều điểm bất cập. Trước hết, dự án đầu tư cách xa các trường đại học, cao đẳng; chưa bám sát đúng với nhu cầu thực tế. Điều dễ thấy nhất là hiện nay nhiều ký túc xá trên địa bàn tỉnh vẫn còn thừa chỗ ở. Mới đây, để tránh xảy ra lãng phí kéo dài tại dự án nhà ở sinh viên, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo chủ đầu tư tạm ngưng triển khai những giai đoạn tiếp theo và hướng đến chuyển đổi công năng sử dụng của công trình.

Còn tại Thanh Hóa, để chấm dứt tình trạng dở dang của các dự án nhà ở sinh viên, tỉnh này đã giao cho Sở Xây dựng lập hồ sơ quyết toán phần khối lượng đã thực hiện tại dự án này. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các phương án lựa chọn nhà đầu tư tiếp tục thực hiện theo hình thức xã hội hóa. UBND tỉnh cũng đã có công văn về việc công nhận chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội ngay trên khu đất quy hoạch xây dựng nhà ở cho sinh viên.

Những động thái tích cực trên của các địa phương cho thấy, việc sớm thay đổi chức năng của các dự án nhà ở sinh viên bỏ hoang là rất cần thiết. Bởi nếu không được đưa vào sử dụng, các khu nhà ở này sẽ ngày càng xuống cấp và sẽ phải bỏ thêm tiền để cải tạo lại nếu muốn tái sử dụng. Thực tế này cũng nói lên rằng một chủ trương đúng nếu thực hiện không tốt sẽ dẫn tới sự lãng phí lớn. Bởi lẽ, mọi đồng vốn Nhà nước dù đầu tư vào đâu cũng cần chắt chiu hơn để tránh tình trạng đầu tư xong rồi để đó.

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo