Thị trường BĐS nhen nhóm niềm tin

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Thị trường BĐS nhen nhóm niềm tin

  • 23/10/2020
  • 105
Niềm tin của khách hàng với thị trường BÐS đang, sẽ được nhen nhóm! ( Ảnh: Internet)


Tình trạng ứ đọng, khó khăn của thị trường bất động sản (BÐS) ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện nay do nhiều nguyên nhân, trong đó có những yếu kém trong công tác quản lý, quy hoạch... Nhiệm vụ quan trọng trước mắt là khắc phục bất cập, đồng thời đưa ra các giải pháp, chính sách, thời gian để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhen nhóm niềm tin của người dân với thị trường BÐS. Trong tháng cuối năm, Chính phủ, các bộ, ban, ngành liên tiếp tổ chức các cuộc làm việc với hai thành phố lớn nhằm cải thiện thị trường BÐS.

Những con số khắc nghiệt

Năm 2012 là năm đặc biệt khó khăn của các doanh nghiệp (DN) cũng như các công ty trong ngành xây dựng. Thị trường không có tính thanh khoản, nợ xấu BÐS cao, hàng tồn lớn, DN thua lỗ... Xét "sức khỏe" của 53 DN nhóm BÐS niêm yết, tại thời điểm quý II/2012 hàng tồn kho tăng 143% so với cùng kỳ 2011, khoản phải thu tăng 91% so cùng kỳ năm 2011.

Giá bán trung bình toàn thị trường căn hộ để bán sụt giảm mạnh: tại Hà Nội từ 1.900 USD/m2 tại cuối 2011 giảm về 1.100 USD/m2 tại cuối quý III/2012 (giá căn hộ bình dân khoảng 640 USD/m2). Tương tự, thị trường TP Hồ Chí Minh, giá bán chung cư từ 1.600 USD/m2 cuối 2011 giảm về 800 USD/m2 tại cuối quý III/2012 (căn hộ bình dân khoảng 700 USD/m2). Ðặc biệt, trong những tháng cuối năm đã chứng kiến sự bán giảm giá tỷ lệ cao của nhiều dự án lớn về nhà ở tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Sự sụt giảm trung bình giá bán căn hộ chung cư trung cấp hằng quý giảm rất mạnh, nhất là quý III/2012 tại Hà Nội giảm khoảng 10-15% và tại TP Hồ Chí Minh giảm 10% so quý trước. Giá BÐS đã ở ngưỡng rất thấp, thấp hơn suất đầu tư. Tồn kho DN sản xuất ngành xây dựng liên quan xét tại thời điểm 1-11-2012 một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như sản xuất xi-măng tăng 30,6% so cùng kỳ 2011, tồn kho từ sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét tăng 9,3%...

Gói giải pháp mới

Chưa bao giờ niềm tin của người tham gia thị trường giảm sút nghiêm trọng như lúc này và việc Chính phủ quan tâm đến thị trường BÐS đã nhóm lên hy vọng. Ðiểm lại sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trước đây để "phá băng" BÐS phải kể đến Chỉ thị 2196/CT-TTg ngày 6-12-2011 về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường BÐS cũng như các kiến nghị của Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)... Tuy nhiên, tính đến thời điểm đầu tháng 12-2012, các nỗ lực trên vẫn chưa đủ sức "phá băng" thị trường BÐS, vốn đã suy kiệt trong suốt thời gian dài.

Ðộng thái mới đây, Chính phủ đưa gói các giải pháp nhằm "tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường" có nhiều điểm mới xúc tác và sự khác biệt. Trước hết, phải kể đến sự quyết tâm với tổng thể nhiều giải pháp từ người đứng đầu Chính phủ đến các lãnh đạo bộ, ngành trực tiếp đề xuất và chỉ đạo quyết liệt. Dù giải pháp mới đưa ra, nhưng điều này đã tác động tích cực mạnh mẽ đến niềm tin của các đối tượng tham gia thị trường BÐS và tác động đồng thời đến thị trường chứng khoán. Dự kiến gói giải pháp sẽ được thông qua bằng một Nghị quyết của Chính phủ.

Bộ Xây dựng đề xuất hạn chế nguồn cung như kiểm tra, rà soát tiến độ triển khai các dự án để quyết định cho chuyển đổi mục đích sử dụng, giãn tiến độ triển khai hay thu hồi dự án, kiểm soát nguồn cung và cầu tại các địa phương; tập trung phát triển nhà ở xã hội; cho phép chuyển đổi công năng dự án nhà ở thương mại về một phần nhà ở xã hội... và hỗ trợ thúc đẩy nguồn cầu thông qua đề xuất mở rộng các đối tượng người nước ngoài được phép mua nhà ở tại Việt Nam. Ðồng thời, giải pháp mạnh mẽ từ Chính phủ và NHNN Việt Nam là đề xuất việc thành lập công ty mua bán nợ xấu tập trung với nguồn vốn xử lý nợ xấu từ 100 đến 150 nghìn tỷ đồng. Các giải pháp hướng về thúc đẩy nguồn cầu thị trường BÐS thông qua việc NHNN hỗ trợ nguồn vốn từ 20 đến 40 nghìn tỷ đồng cho các NHTM, với mục đích các NHTM sẽ cho khách hàng vay mua nhà để sử dụng, lãi suất vay khoảng 8%/năm, thời hạn 5-10 năm. Ðơn cử, các NH lớn như BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank đều đồng loạt cam kết hạ lãi suất cho vay, tập trung kích thích và ưu đãi cho vay mua nhà từ 12 đến 15%/năm...

Với những chính sách đó, thị trường BÐS cũng đã đón nhận đề xuất các giải pháp về thuế của Bộ Tài chính, trong đó một số nội dung sẽ còn trình xin ý kiến Quốc hội. Ðặc biệt, các giải pháp dành cho các DN triển khai nhà ở xã hội như thuế thu nhập DN giảm về 10%, VAT sản phẩm đầu ra giảm về 5%, cũng như việc giãn, hoãn hai loại thuế trên từ 6 đến 12 tháng, dự kiến có hiệu lực từ 1-7-2013... Các chính sách về việc giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ thu tiền khách hàng tại các dự án nhà ở, do UBND các tỉnh, thành phố quyết định cũng được đề xuất. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đưa ra gói hỗ trợ phát triển đầu tư hạ tầng khu vực nông thôn, các dự án thủy lợi với tổng giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng có tác dụng hỗ trợ tiêu thụ vật liệu xây dựng, giảm lượng tồn kho cho các đơn vị sản xuất...

Triển vọng

Cùng với gói "tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển thị trường", thì các công cụ tài chính phi NH cũng đã được các bộ, ngành đề xuất và triển khai như quỹ tiết kiệm cho vay nhà ở mô hình CHLB Ðức do Bộ Xây dựng chủ trì; quỹ BÐS (tương tự mô hình quỹ tín thác REITs) theo Nghị định 58/2012/NÐ-CP, các loại quỹ mở theo Thông tư 183/2012/TT-BTC, đề xuất thành lập cơ quan tái cho vay thế chấp của Ngân hàng BIDV... Ðó là những nguồn vốn phi NH trung và dài hạn, có thể cung cấp vốn cho thị trường BÐS đối với cả nguồn cung và cầu.

Quá trình triển khai thực hiện gói giải pháp sẽ cần thời gian, các phản ứng thực tế trên thị trường của NHTM, DN, khách hàng... còn rất khác nhau, nên sự tác động tích cực từ các chính sách đến với thị trường BÐS sẽ có độ trễ. Dự đoán sự đổi chiều thị trường BÐS sẽ rõ nét vào khoảng quý III, IV năm 2013. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là niềm tin của khách hàng đối với thị trường đang, sẽ được nhen nhóm.਍

* Dư nợ tín dụng được bảo đảm bằng BÐS khoảng 1,24 triệu tỷ chiếm 46,5% tổng dư nợ tín dụng hay 64,3% dư nợ tín dụng có bảo đảm bằng tài sản. Trong đó, dư nợ tín dụng BÐS của TP Hồ Chí Minh cao hơn Hà Nội, chiếm khoảng 47,8%, Hà Nội khoảng 23,7%.

Chu kỳ bất động sản dao động từ 5 - 7 năm, thời gian bất động sản Việt Nam đã trải qua 5 năm (2008 - 2012) trầm lắng và khó khăn.



* Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải: Chính phủ đã và sẽ tiếp tục các giải pháp làm ấm lại thị trường BÐS, nhưng đây không phải là các giải pháp kích cầu, có thể khiến lạm phát tăng, gây ảnh hưởng không tích cực đến ổn định kinh tế vĩ mô. Mục tiêu của chúng ta là tháo gỡ khó khăn, tạo thanh khoản để tạo ra sản xuất kinh doanh nhưng vẫn phải ổn định được kinh tế vĩ mô.

* Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Ðình Dũng: Cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn vì nếu thị trường BÐS "đóng băng" không chỉ ảnh hưởng đến DN, người dân mà còn ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, chưa bao giờ Quốc hội, Chính phủ lại quan tâm đến thị trường BÐS như hiện nay. Nghị quyết của Chính phủ hai kỳ họp đều nói đến BÐS, nhất là bài phát biểu của Thủ tướng trước Quốc hội và Nghị quyết của Quốc hội cũng nói đến giải pháp "phá băng" thị trường BÐS.

* Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Trước khi giải cứu thị trường BÐS thì trước hết, phải thấy rằng, đất đai là tài sản nhà nước, những chi phí đền bù và giá vật liệu xây dựng... so với giá thành xây dựng không chênh lệch quá mức nhưng sao giá bán lại cao ngất ngưởng như vậy? Không kiểm soát được giá vốn hàng bán và giá bán BÐS, sẽ rất khó tháo gỡ bế tắc cho thị trường. Một tác động không mong muốn khác là cũng vì giá BÐS mà chỉ số ICOR của nền kinh tế bị đẩy lên cao.

Phan Thành Mai - Tổng Thư ký Hiệp hội BÐS Việt Nam
 

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo