TTBĐS tháng 11/2019: TP.HCM khan hàng, Hà Nội đón nhiều nguồn cung mới

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

TTBĐS tháng 11/2019: TP.HCM khan hàng, Hà Nội đón nhiều nguồn cung mới

  • 15/10/2020
  • 113

TP.HCM: Khan hàng, môi giới khó tìm khách mua

2019 là một năm làm ăn khá khó khăn với môi giới bất động sản vì nhìn chung thị trường trầm lắng hơn những năm trước, ít sản phẩm mới chào bán. Đặc biệt, ở giai đoạn cuối năm, nguồn hàng khan, thu nhập của môi giới không ổn định. So với giáp Tết năm ngoái, hoạt động mua bán bất động sản ở thời điểm này trầm lắng rõ nét. Nếu như năm ngoái, nhiều sàn đồng loạt ra quân, tuyển nhân sự rộn ràng thì năm nay, có công ty cho biết chỉ hoạt động tầm 30-50% công suất, thậm chí tính nghỉ lễ sớm vào tháng 12 do chưa có nguồn hàng bán Tết. Hiện tại, nhiều môi giới nhàn rỗi vì không tìm được dự án để bán cuối năm, khách hàng cũng không mặn mà đầu tư vào nhà đất như các năm trước.

Đường dẫn vào khu đất một dự án, hai bên là nhà cửa, bảng giới thiệu dự án, cây mới trồng trên vỉa hè.
Khan hiếm nguồn cung mới là một trong những yếu tố khiến giao dịch nhà
đất cuối năm kém sôi động. Ảnh minh họa

Theo lãnh đạo một sàn môi giới tại quận 2, TP.HCM, từ đầu tháng 8 đến nay, công ty không tìm được nguồn cung dự án mới để phân phối. Nhiều môi giới vẫn phải bán đi bán lại nguồn cung thứ cấp từ các dự án cũ cho nhà đầu tư nhưng đây không phải là hướng đi lâu dài. 

Nhiều doanh nghiệp cho biết đã tính trước chuyện khan hàng nên tranh thủ chạy về thị trường tỉnh tìm nguồn cung. Tuy nhiên, lượng dự án triển khai ở tỉnh hiện không nhiều, các dự án lớn của tập đoàn lớn luôn có những công ty môi giới F1 thâu tóm. Dự án nhỏ thì chủ đầu tư tự phân phối nên các sàn nhỏ rất khó chen vào. Nếu tình hình không khả quan, rất có thể qua năm nhiều sàn sẽ phải tạm thời đóng cửa. 

“Chưa thấy năm nào tìm khách khó khăn như năm nay. Đặc biệt, gần Tết tìm khách mua còn khó hơn thời điểm giữa năm. Sản phẩm chào bán không nhiều mà sức mua cũng chậm, ít cạnh tranh đồng nghĩa ít sự lựa chọn nên dân đầu tư chỉ quan sát thị trường chứ không xuống tiền”, đại diện một công ty bất động sản tại Thủ Đức nhìn nhận.

Ô tô, xe máy, một số người đi lại trên con đường lớn dẫn vào dự án bất động sản, phía trong nhiều cây cối.
Nhiều sàn môi giới có kế hoạch nghỉ tết sớm do ko tìm được nguồn hàng
phân phối thời điểm giáp tết. Ảnh minh họa

Không chỉ là vấn đề thiếu nguồn hàng, nhiều sàn giao dịch dù có nguồn hàng nhưng lại không có mấy khách mua. Ông Khoa Nguyễn, giám đốc SGD Khải Phát chia sẻ, công ty chuyên phân phối đất nền ở tỉnh và hiện vẫn có nguồn hàng cho sale bán, nhưng tình hình giao dịch cuối năm nay kém hơn hẳn so với các năm trước. Đơn vị này đang phân phối một dự án nhà phố gần 200 lô đất tại Đồng Nai nhưng đến hiện tại chỉ khoảng 20% nguồn cung được bán ra. Nhiều khách hàng không còn hứng thú với giao dịch đất tỉnh cuối năm, đây là một hiện tượng lạ. 

Về nguyên nhân khách hàng không mặn mà mua bán nhà đất vào cuối năm như trước đây một phần do giá bán bất động sản quá cao. Hiện tại giá căn hộ sơ cấp trung bình TP.HCM đạt 47 triệu/m2, tăng 21,6% theo năm. Từ 2017-2019 giá đất tăng thấp nhất 1,5-2 lần và cao nhất 3-4 lần. Giá nhà tăng cao đi kèm tình trạng mất cân bằng giữa cung và cầu. Nguồn cung quá ít làm xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng khiến giá bị đẩy lên, giao dịch sẽ chậm lại. Nhà đầu tư không còn hào hứng khi phải bỏ số tiền ngày một cao để đầu tư vào căn hộ mà không chắc có thể sang tay thành công với lợi nhuận mong muốn. Bên cạnh đó, sự càn quét của các dự án “ma” khiến người mua mất niềm tin vào thị trường, chủ đầu tư, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ, chưa khẳng định được thương hiệu và vị thế. Cùng với đó, nhiều dự án chậm triển khai, chậm pháp lý, trì trệ cũng ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường.

Hà Nội đón cung mới ở phân khúc trung, cao cấp

Theo tìm hiểu của PV Batdongsan.com.vn, cả hai dự án mới nhất của Hà Nội trình làng trong tháng 11 đều thuộc phía Tây là The Matrix One Mễ Trì và Mipec Rubik 360. Hai tân binh mới của thị trường chung cư đều tọa lạc ở những vị trí được đánh giá là đắc địa của Cầu Giấy và Nam Từ Liêm nên có mức giá đắt đỏ. The Matrix One có quy mô 20ha, nằm trên ngã ba vòng xuyến giao giữa 3 tuyến đường Lê Quang Đạo - Châu Văn Liêm và Mễ Trì (Nam Từ Liêm). Dự án gồm 3 tòa nhà cao 44-75 tầng với khoảng 1.000 căn hộ có diện tích từ 86-112m2. The Matrix One có giá bán khá cao, từ 52 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, Mipec Rubik 360 có vị trí tại số 122 – 124 Xuân Thủy (Cầu Giấy), gồm 2 tòa chung cư cao 35 tầng và 3 tầng hầm, xây dựng trên khu đất có diện tích 41.567m2. Dự án cung cấp cho thị trường 976 căn hộ có diện tích từ 53-125m2. Mipec Rubik 360 được định vị là sản phẩm cao cấp với giá bán từ 40 triệu đồng/m2.

Một dự án mới khác cũng tung hàng tại phía Tây Hà Nội thời điểm cuối năm là The Zei, nằm tại số 8 Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm). The Zei là tòa nhà 42 tầng với hơn 800 căn hộ có diện tích từ 84-181m2, giá bán từ 39 triệu đồng/m2.

Trong khi phía Tây Hà Nội trình diện nhiều dự án cao cấp với mức giá đắt đỏ thì số ít dự án mới tại phía Nam có mức giá mềm hơn. Mới đây nhất, dự án Viễn Đông Star đã công bố kế hoạch mở bán hàng trăm căn hộ mới với giá bán từ 22,7 triệu đồng/m2. Nằm trên mặt phố Giáp Nhị (Hoàng Mai), Viễn Đông Star cung cấp cho thị trường hơn 200 căn hộ có diện tích từ 81-108m2.

Cùng thời điểm, Hanhomes No.8 Mai Chí Thọ (Giang Biên, Long Biên) cũng chính thức tung hàng. Dự án là tổ hợp 2 tòa chung cư cao 9 tầng và 15 tầng với 140 căn hộ có diện tích linh hoạt từ 64,9 - 72m2, giá bán từ 22,5 triệu đồng/m2.

Không khó để nhận ra cuộc bung hàng của các dự án cuối năm phần lớn tập trung ở dòng sản phẩm trung, cao cấp và hạng sang.

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư kí Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng xác nhận thực trạng vắng mặt của nhà giá rẻ trên thị trường. Cùng với đó, dòng sản phẩm nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp thuê tại Việt Nam lại quá ít ỏi. Tình trạng này khiến người thu nhập thấp không có nhiều cơ hội lựa chọn chỗ ở.

Ông Đính nhận định, nguyên nhân chính của thực trạng trên là do không có vốn. Vào năm 2018, nhà giá rẻ còn có chính sách tín dụng là gói 2.000 tỷ, trước đó là gói  30.000 tỷ. Thời điểm gói 30.000 tỷ được tung ra đã tạo cú hích làm sống lại giai đoạn bất động sản khủng hoảng 2011-2013. Tuy nhiên, đến nay do không có chính sách tín dụng nên phân khúc này giậm chân tại chỗ. “Rất cần tín dụng để cung cấp và phát triển loại hình này”, ông Đính nhấn mạnh. 

An - Uyên

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo